Bài 109: Từ “Mắt đền Mắt, Răng đền Răng” đến “Yêu Thương Kẻ Thù” | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

Bài 109: Từ “Mắt đền Mắt, Răng đền Răng” đến “Yêu Thương Kẻ Thù” | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

Bài 109: Từ “Mắt đền Mắt, Răng đền Răng” đến “Yêu Thương Kẻ Thù” | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca 6, 27-38 :

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. 36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

-o-o-o-

Thánh sử Lu-ca đã ghi chép thật cặn kẽ lời Đức Giê-su dạy bảo về luật yêu thương. Không cần gì phải giải thích hay bổ sung khi lời nói của Đức Giê-su đã đi đôi với hành động. Hình ảnh Ngôi Lời Giê-su trên cây thập tự đã minh chứng rằng không gì mà A-đam mới không thể thực hiện được một khi đã dám yêu thương đến cùng, yêu thương không loại trừ ai, yêu thương ngay cả kẻ hại mình, kẻ thù của mình. Đó là tình yêu tha thứ bao dung, tình yêu không so đo tính toán, không xử sự theo lẽ sòng phẳng bù trừ. Những tín hữu trong Hội Thánh tiên khởi chắc chắn đã tuyên tín, vâng lời, sống và theo gương Đức Giê-su trong bối cảnh bị bách hại, bị dồn ép tư bề. Chính thánh sử Mát-thêu 5,38-45 cũng ghi rõ lời dạy của Thầy :

Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài…”Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”.

Những lời của Đức Giê-su nói thoạt nghe tưởng chừng như ngược lại với ý của các tác giả sách Tô-rah, vốn là luật pháp của dân Ít-ra-en đón nhận từ Thiên Chúa từ thời trước công nguyên, vốn không thể và không ai có quyền đổi thay, ví dụ như trong sách :

Xuất hành 21,22-27 : “Nếu đàn ông đánh nhau mà xô phải một người đàn bà có thai, làm sẩy thai nhưng không gây tổn thương nào khác, thì phải bồi thường theo đòi hỏi của người chồng, và phải trả trước mặt trọng tài. Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm. Nếu có ai đánh vào mắt tôi tớ nam nữ của mình, và làm hư mắt đó, thì phải phóng thích nó để đền mắt. Nếu có ai làm gãy răng tôi tớ nam nữ của mình, thì phải phóng thích nó để đền răng”.

Lê-vi 24,19-22 : “Nếu ai làm cho người đồng bào phải mang tật, thì phải xử với nó như nó đã xử với người ta : chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng ; nó đã làm cho người khác mang tật thế nào, thì người ta cũng sẽ làm cho nó như vậy. Ai đánh chết một con vật, thì phải đền ; ai đánh chết người, sẽ bị xử tử. Các ngươi chỉ được có một pháp luật, cho ngoại kiều cũng như cho người bản xứ, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi”.

Và sách Đệ nhị luật 19,21 tóm tắt : “Luật báo phục tương xứng : Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân”. Và khi ứng dụng luật trong thực tế cuộc sống, tác giả sách Đệ nhị luật 19,15 còn dặn dò kỹ : “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào ; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét”.

Đây là một chi tiết quan trọng trong luật pháp dành cho dân Ít-ra-en, để không ai có thể tùy tiện xử sự theo cách riêng của mình. Và mặc dù luật pháp cho phép bồi thường thiệt hại một cách công bằng, nhưng yêu cầu bồi thường này cũng không phải là bắt buộc. Vì ngay trong sách Lv 19,18-19, Thiên Chúa đã dạy dân Ít-ra-en : “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA. Các ngươi phải giữ các quy tắc của Ta”. Ngoài ra sách Châm ngôn 25,21 cũng nhấn mạnh : “Kẻ thù con có đói, hãy cho nó bánh ăn ; nó có khát, hãy cho nước uống”.

Do đó, một khi yêu thương người thân cận thì người tín hữu không những không đòi hỏi sự trả thù quá đáng mà còn phải từ bỏ tinh thần báo thù vì Thiên Chúa không khuyến khích dân Ít-ra-en dùng bạo lực dẫn đến sự chết ! Theo truyền thống Do-thái giáo, sự trả thù không phải là nguyên tắc công lý trong Sách Thánh, vì nếu áp dụng luật trả thù, vấn đề không giải quyết được gì mà mối thù và bạo lực vẫn tiếp diễn. Vì thế, không một ai có quyền tự cho mình quyền thực thi công lý, không một ai có thể vừa là thẩm phán vừa là nạn nhân.

Chúng ta cần hiểu thêm là theo truyền thống Mishna (Tô-rah truyền khẩu) của Do-thái giáo, các quy tắc về luật báo phục đã chỉ dẫn nhu cầu đền bù tương đương trong hình phạt, cho nên chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen các bản văn Xuất hành, Lê-vi và Đệ nhị luật kể trên. Nguyên tắc chung mà luật Do-thái áp dụng cho bất kỳ thiệt hại nào là phải bồi thường. Giá trị chính xác của những khoản bồi thường này phải được đánh giá theo từng trường hợp cụ thể và phải hết sức công bằng. Thông thường, chỉ vì một lỗi nhỏ, người nắm quyền lực có khi sẽ đòi bồi thường quá mức. Luật pháp Do-thái vì thế không cho phép bất cứ ai yêu cầu bất cứ điều gì, ngoài việc bồi thường cho công bằng. Như vậy, chúng ta cần hiểu rằng Mắt đền mắt, răng đền răng” KHÔNG phải là “quyền trả thù” mà là GIỚI HẠN quyền được bồi thường thiệt hại, giới hạn sự trừng phạt ở mức công bằng chính đáng.

Thành ngữ “mắt đền mắt, răng đền răng” tóm tắt quan niệm về công lý là phải vừa kiên quyết vừa công bằng. Thành ngữ này nêu rõ giá trị công bằng với cách báo phục nhằm giúp người ta ý thức tác hại do tội ác đã gây ra. “Mắt đền mắt, răng đền răngkhông cho phép nạn nhân hay nói mạnh hơn là cấm nạn nhân gây ra tổn hại thái quá cho kẻ đã hại mình. Luật này gắn liền với văn hóa xã hội Ít-ra-en trong hàng ngàn năm, và hoàn toàn bác bỏ nguyên tắc trả thù cùng mọi hình thức trả thù để tránh bạo lực gia tăng, bùng phát.

Tiếp nối truyền thống luật Mô-sê trong sách Lê-vi “Ngươi không được trả thù, không được oán hận” mà “phải yêu đồng loại như chính mình(19,18), chính Đức Giê-su đã lên tiếng khuyên nhủ : hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6,28-29). Trong niềm tin Ki-tô giáo, đi theo Chúa Giê-su và tuân theo giáo huấn của Người là nẻo đường bất bạo động, chứ không phản kháng cách bạo lực. Đây là một nẻo đường không dễ đi, đôi khi là không thể đi. Ngay chính bản thân Đức Giê-su cũng đâu áp dụng theo nghĩa đen lời Người dạy “nếu bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”, mà trong tình huống đó, Người đã yêu cầu phải tôn trọng sự thật. Đón nhận giáo huấn này là sống theo chân lý, biết phân định và nói lên lẽ phải, và giúp chúng ta ý thức được rằng, ngay khi khát vọng trả thù đang giày vò trong lòng thì mỗi tín hữu được mời gọi sống theo lẽ khôn ngoan của Chúa, sống bao dung để tha thứ vô điều kiện : “Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,43-45).

Như vậy, dù cách nói khác nhau, luật báo phục tương xứng trong Cựu Ước hay luật yêu thương trong Tân Ước vẫn là một, bởi vì nguyên tắc căn bản vẫn là yêu thương, tôn trọng phẩm giá và sự sống con người. Điều quan trọng chúng ta cần nắm rõ, đó là cách thế Đức Giê-su đã đến giữa thế gian và tự do để kiện toàn lề luật. Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa đã kiện toàn chứ không bãi bỏ luật. Người đã dùng lời chất vấn những người đương thời và kể cả các Ki-tô hữu ngày nay, để nhắc nhớ thái độ và hành vi xử sự trong mọi tương quan : “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,31-35).

Là con của Đấng Tối Cao”, đó chẳng phải là ân huệ cao cả tuyệt vời mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép thánh tẩy, để rồi tâm niệm sống biết ơn, để giữ nghĩa cùng Chúa luôn hay sao ?

Cầu nguyện :

Ôi, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con tôn thờ, chỉ có Chúa là Đấng trọn lành, và Ngài vẫn truyền cho chúng con phải trọn lành như Chúa. Xin giữ chúng con hằng gắn bó với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng chẳng vương tội lỗi lại gánh chịu mọi thù ghét, bất công, nhục nhằn. Xin ban cho chúng con cái nhìn bao dung yêu thương của Con Một Chúa, cùng tấm lòng khiêm nhu của Người. Xin dạy chúng con biết kiến tạo hòa bình để luôn tự hào được phúc làm con cái Chúa. A-men.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top